Ở vùng bãi ngang, những gành đá lô xô xoãi mình ra phía biển là quê hương của nhiều loài rong, nhiều nhất là rong mứt, loại rong làm chất liệu chính cho những bát canh đằm hương vị xa xăm.
Muốn ăn rong mứt nấu canh
Mời anh chín thác mười gành với em.
Có người nói ca dao về sản vật địa phương thường “vống” lên để tạo ấn tượng cho người lần đầu thưởng thức, cũng là một cách để cầm khách ở lại nhà một cách có… văn hóa ẩm thực: “Thư thả ngồi chơi, ăn bát canh rong mứt rồi hẵng về”.
Nhưng, chuyện “chín thác mười gành” thực tình quả không ngoa. Người đi nạo rong phải len lỏi qua từng gộp đá cheo leo, phải lặn lội khắp gành ngang gành dọc. Có khi đang nạo bị sóng bổ “lén”, ầm một phát, người thì ướt loi ngoi lóp ngóp, chỗ rong vừa nạo cũng văng tưng đi đằng nào. Lại cặm cụi làm lại từ đầu. Đố ai dám than phiền “ông” sóng lấy một câu.
Rong mứt mọc trên đá, nhiều nhất là từ cuối đông đến đầu xuân. Lúc này biển lặng dần, nắng ấm lên, nước bắt đầu rút xuống, bày từng mảng rong mứt màu nâu xám quanh những tảng đá ẩm ướt. Khi ấy, dân trong làng rủ nhau đi nạo rong. Dụng cụ để nạo chỉ là một miếng nhôm mỏng.
Rong nạo về phải rửa nước ngọt nhiều lần để xả mặn và loại bỏ tạp chất. Hôm nào nạo đầy thau thì ra chợ bán bớt để kiếm tí tôm, tí thịt. Nói “ra chợ” chứ thật ra nhiều khi chưa tới chợ thì rong đã được bán hết. Những chị nội trợ ở quê “tinh” lắm. Thấy rong mứt đi ngang nhà là chặn lại ngay. Vài giây sau đã có bốn năm chị xúm lại. Nhoáng cái, thau rong mứt hết nhẵn.
Rong mứt thích hợp với món canh ở bất cứ “thể loại” nào. Khi nấu, chỉ cần phi dầu với vài tép hành trước khi đổ nước vào nồi. Rong và phụ gia cho vào sau khi nước đã sôi. Nêm nếm tùy khẩu vị. Sang thì nấu với tôm, thịt, cua. Thường thường bậc trung thì nấu với vài quả trứng gà hoặc trứng cút. Nhà đông con, khó khăn thì nấu rong mứt với... rong mứt. Hổng chừng nồi canh “nguyên rin” lại hóa hay.
Rong mứt “dễ thương” ở chỗ dù nấu với nguyên liệu nào vẫn ngọt lành, thoang thoảng mùi hương đặc trưng của trùng dương. Đó là chút mặn mà của biển, chút nồng nàn của nắng gió xa khơi, chút thâm trầm ẩm ướt của đá. Riêng những “tín đồ” của rong mứt có thừa sự tinh tế và nhạy cảm còn nghe trong cái sừn sựt của cọng rong có cả cái xao động của sóng trắng lô xô, chút mồ hôi thánh thót của người đi nạo rong sớm chiều trên gành đá.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét