Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Mát lành rong biển nấu cua

Mới đầu mùa khô miền Trung đã bắt đầu hầm hập nóng, gió Lào chưa kịp kéo tới thổi rát da nhưng thời tiết cũng đã bắt đầu hanh khô khó chịu. Bữa cơm miền biển dọn ra với những hải sản không quá xa lạ nhưng món canh rong biển nấu cua cứ làm lũ chúng tôi mắt tròn mắt dẹt vì lạ lẫm.


Ngày cuối tuần chúng tôi kéo về nhà anh bạn quê miền biển để tận hưởng những đợt gió biển mơn man mát lành. Tháng 4 chưa phải là mùa vớt rong biển tươi nên mẹ anh đãi chúng tôi món canh rong biển khô nấu cua. Không thơm nồng mùi hương công nghiệp được sơ chế kỹ càng như rong biển nhập khẩu, món canh rong biển của mẹ anh vẫn còn mùi ngai ngái, tanh tanh của biển, dai dai chua chua đặc trưng và ăn vào thì mát lịm cả cơ thể, xua tan cái nóng nực thời tiết chớm hè.

Đây là những miếng rong biển của mùa hè năm trước được rửa sạch và phơi thật khô bán cho thương lái và để lại một ít cho gia đình dùng cả năm.

Nhìn mẹ anh công phu chuẩn bị, đám chị em cũng ríu rít học cách làm. Trước khi nấu canh, rong biển khô được ngâm trong nước khoảng 10 phút để rong bung nở như hoa. Trong thời gian đó, những con cua biển được luộc và tách phần thịt cua ra nêm gia vị, xào qua với mỡ hành để khử bớt mùi tanh của cua.

Khi thịt cua đã được “phi” với mỡ hành và gia vị, nước luộc cua mới được đổ vào nồi. Người dân Huế quê tôi thường đánh thêm một chút ruốc cho hương vị nước canh thêm đậm đà. Nước sôi sùng sục là có thể cho rong biển đã ngâm vào và nêm gia vị cho vừa ăn. Rong biển để quá lâu trên bếp sẽ mềm đi, mất độ dai cũng như các khoáng chất có lợi cho sức khỏe.

Trên ngôi nhà ven biển giữa trưa chớm hè lồng lộng gió, nghe những đợt sóng vỗ bờ rì rào như khúc hát ru, cầm trên tay bát canh rong biển nóng hổi, thưởng thức vị ngọt lịm của nước canh cua, dai dai, chua chua của rong biển, ai đó trong nhóm chúng tôi bỗng cất lời hát, khuấy động không khí sôi nổi hẳn lên.

Ra về chúng tôi còn được mẹ anh bạn hào phóng cho mỗi đứa một gói rong biển đem về làm quà. Mân mê trên tay món rong biển khô do chính các mẹ, các chị cần mẫn tách ra từ những búi rong biển to rồi trải ra phơi thật kỹ dưới nắng to, mới thấy quý làm sao cái mùi ngai ngái của rong biển, của đặc sản quê hương.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Facebook Themes